BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ CÁC DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Tiểu đường hay đái tháo đường, là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không chuyển hóa các chất bột đường từ thực thẩm bạn ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
- Bệnh tiểu đường có ba loại chính: 

+ Tiểu đường tuýp 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Tiểu đường tuýp 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.
+ Tiểu đường tuýp 2: Phổ biến nhất, chiếm 90-95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Những người bị tiểu đường típ 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. 

+ Tiểu đường thai kỳ: Sự thay đổi sinh lý trong cơ thể người mẹ khi mang thai có thể gây nên đái tháo đường thai kỳ. Bệnh phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24.
Tiểu đường hiện nay là căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến, Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ tăng bệnh nhân tiểu đường cao nhất thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế trong 10 năm qua, số bệnh nhân mắc bệnh ở nước ta tăng 211%, và tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường ở những người trẻ tuổi cũng dần tăng cao. Tuy vậy, không phải ai cũng biết rằng mình bị bệnh, một số người có thể bị tiểu đường trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm mà không nhận ra mình bị bệnh vì những dấu hiệu có thể xuất hiện một cách không đáng kể.
Dưới đây một số dấu hiệu nghi ngờ bệnh tiểu đường dễ nhận biết nhất để bạn tham khảo. Nếu nghi ngờ bị bệnh tiểu đường, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm càng tốt. 
Đừng nên dựa vào cảm giác chủ quan mà hãy dựa vào các chỉ số đường huyết của bạn trong các xét nghiệm cụ thể.


DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
- Nếu gặp hơn 2 triệu chứng dưới đây, tốt nhất bạn nên đi khám bệnh để được đánh giá thêm. Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của tiểu đường loại 1 và 2 bao gồm:

             
                                               
 



1. Liên tục khát nước: Bạn khát nước và uống nước khá nhiều nhưng cảm giác khát nước vẫn còn. Vì sao lại như thế? Đó là do khi lượng đường trong máu bạn tăng cao, cơ thể bạn sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.
2. Đi tiểu nhiều lần trong ngày: Nếu số lần bạn đi tiểu trong một ngày lớn hơn số 7, có thể bạn đã bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do cơ thể bạn muốn loại bỏ lượng đường dư thừa, thận hoạt động mạnh hơn nên sẽ đi tiểu nhiều hơn.
3. Sụt cân bất thường: Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy vậy – cơ thể cần nhiên liệu để hoạt động. Và nhiên liệu chính cho cơ thể chính là đường (glucose). Sụt cân do mất nhiều đường glucose qua nước tiểu. Đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nó buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân. Trong trường hợp này, bạn nhớ kiểm tra cơ thể tổng quát liền nhé.
4. Đói và mệt mỏi: Khi cơ thể bạn không thể hấp thu lượng đường cần thiết trong máu để giải phóng năng lượng do sự thiếu hụt insulin, đường sẽ bị tích trữ một cách dư thừa trong máu và ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nhu cầu nạp thức ăn để lấy thêm năng lượng của cơ thể sẽ tăng cao để bù lại phần năng lượng bị thiếu, dẫn đến cảm giác đói và mệt mỏi thường xuyên.
5. Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm: Lượng đường trong máu cao và hệ thống miễn dịch (cơ chế tự bảo vệ của cơ thể) bị ức chế, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng và nấm. Chính vì vậy, người bị đái tháo đường thường cảm thấy ngứa trên cơ thể, đặc biệt ở bộ phận sinh dục.

6. Thị lực yếu đi: Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề đặc biệt phù ở hoàng điểm sẽ làm giảm thị lực mặc dù trước đó bạn không bị các bệnh về mắt.
Ngoài ra, các triệu chứng khác như vết thương chậm lành hay chân tay bị tê hoặc ngứa rân rân như kiến bò cũng có thể là dấu hiệu mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, dù cơ thể bạn chưa có biểu hiện bất thường nào, bạn vẫn có thể bị bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn nên có lịch khám sức khỏe định kỳ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập luyện hợp lý để phòng ngừa đái tháo đường ngay từ hôm nay.

- Các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì... là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường. Nếu cha mẹ bị tiểu đường thì con của họ sẽ dễ bị bệnh hơn; hoặc lối sống bao gồm chế độ ăn và tập luyện không điều độ cũng dễ gây ra tiểu đường.

                                                       


Nhiều nghiên cứu cho thấy:
- Người có lối sống thụ động (ít hoặc không vận động) có nguy cơ cao bị tiểu đường tuýp 2.
- Người thừa cân hoặc béo phì, hay người ăn nhiều đồ ngọt và Cacbohydrat tinh luyện có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao đáng kể.
  + Lưu ý rằng tiểu đường tuýp 2 thường là do lối sống không lành mạnh, khác với tiểu đường tuýp 1 - tình trạng bẩm sinh đã tồn tại từ thời thơ ấu.

TẦM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG 

                                                


- Do ít có biểu hiện rõ ràng nên nhiều người sau khi bệnh đã tiến triển nặng mới bắt đầu phát hiện và điều trị. Chính vì thế cần phải thường xuyên duy trì việc kiểm tra đường huyết khi bắt đầu nghi ngờ bệnh, đặc biệt nếu bạn nằm trong 5 nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau:
+ Người trên 40 tuổi
+ Người béo phì hoặc thừa cân
+ Gia đình có người thân bị tiểu đường
+ Bệnh huyết áp cao
+ Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ

- Cách duy nhất để xác định chính xác bạn có bị bệnh tiểu đường hay không là đi khám bệnh để được xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm máu). Số liệu từ xét nghiệm máu giúp phân loại tình trạng của bạn là "Bình thường", "Tiền tiểu đường" (nghĩa là có nguy cơ cao phát triển thành tiểu đường nếu bạn không thay đổi lối sống) hay "Tiểu đường".

- Tốt nhất cần xác định bạn có bị bệnh tiểu đường hay không càng sớm càng tốt vì điều trị sớm là yếu tố vô cùng quan trọng.
- Bệnh Tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài do "đường huyết không được kiểm soát". Tức là nếu được điều trị để kiểm soát đường huyết, bạn có thể tránh được hay ít nhất là "đẩy lùi" nhiều hậu quả kéo dài do bệnh tiểu đường gây ra. Chính vì vậy mà việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
1. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh
- Kiểm tra nồng độ Glucose trong máu

                                                 

- Bác sĩ có thể tiế
n hành 2 xét nghiệm khác nhau để kiểm tra nồng độ glucose trong máu. Thông thường, xét nghiệm hàm lượng Glucose máu lúc đói được dùng để chẩn đoán tiểu đường, nhưng bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm nước tiểu.
+ Nồng độ glucose trong máu bình thường là từ 70 đến 100 mg/dL.
+ Nếu trong giai đoạn "tiền tiểu đường", nồng độ glucose trong máu từ 100 và 125
mg/dL.
+ Nồng độ glucose trong máu trên 126 
mg/dL được xem là tiểu đường.

- Đo nồng độ HbA1c (Hemoglobin A1c)

                                                 

Đây là một xét nghiệm mới được các bác sĩ dùng để chẩn đoán tiểu đường. Xét nghiệm này dựa vào Hemoglobin (một loại Protein) trong tế bào hồng cầu và đo lượng đường bám vào Protein này. Nồng độ càng cao tức càng nhiều đường bám vào, là dấu hiệu trực tiếp cho thấy bạn có nguy cơ bị tiểu đường. Xét cho cùng, tiểu đường là sự gia tăng tỉ lệ đường trong máu.
+ Mối tương quan bình thường giữa HbA1c và nồng độ đường huyết trung bình được giải thích như sau: Chỉ số HbA1c bằng 6 tương đương nồng độ Glucose trong máu là 135; HbA1c bằng 7 = 170; HbA1c bằng 8 = 205; HbA1c bằng 9 = 240; HbA1c bằng 10 = 275; HbA1c bằng 11 = 301; HbA1c bằng 12 = 345.
+ Trong hầu hết các phòng thí nghiệm, phạm vi bình thường của chỉ số HbA1c là 4.0 - 5.9%. Trong trường hợp bệnh tiểu đường được kiểm soát kém, phạm vi này là từ 8,0% hoặc cao hơn, còn ở trường hợp được kiểm soát tốt là dưới 7,0%.
+ Đo chỉ số HbA1c giúp đưa ra một cách nhìn hợp lý hơn về tình trạng bệnh đang diễn ra. Chỉ số này phản ánh nồng độ đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng qua, không như xét nghiệm Glucose đơn giản chỉ đo nồng độ đường huyết tại một thời điểm.

2. Điều trị bệnh:
                                                

Để điều trị, người bị bệnh tiểu đường cần tiêm Insulin hoặc uống thuốc hàng ngày, đồng thời kiểm soát chế độ ăn uống và tập luyện.

- Đôi khi, những trường hợp tiểu đường tuýp 2 mức nhẹ chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Thay đổi lối sống một cách phù hợp thực sự có thể giúp điều trị tiểu đường và đưa nồng độ đường huyết về mức "bình thường". Đây chính là động lực giúp bạn có thể thay đổi lối sống nhằm điều trị tiểu đường.
- Bác sĩ sẽ yêu cầu cắt giảm tiêu thụ đường và Cacbohydrat, đồng thời tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Nếu tuân thủ đúng, bạn sẽ thấy nồng độ đường huyết giảm đáng kể.
- Mặt khác, các trường hợp tiểu đường tuýp 1 luôn cần tiêm Insulin vì đây là bệnh tự miễn mà cơ thể không thể sản sinh Insulin.
- Việc điều trị tiểu đường đúng cách là vô cùng quan trọng. Nếu không được điều trị, nồng độ đường huyết cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như tổn thương dây thần kinh, tổn thương hay suy thận, mù lòa và nhiều vấn đề về tuần hoàn nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng khó điều trị (có thể tiến triển thành hoại tử cần phẫu thuật cắt bỏ, đặc biệt là ở chi dưới).

3. Tái khám đều đặn

                                               

- Bạn cần được xét nghiệm máu lại mỗi 3 tháng nếu thuộc nhóm Tiền tiểu đường" hoặc "Tiểu đường". Xét nghiệm đều đặn giúp kiểm soát xem tình trạng bệnh có cải thiện không (đối với những người đã thay đổi lối sống một cách tích cực) hay trở nặng thêm.

- Xét nghiệm máu lại có thể giúp bác sĩ quyết định về liều tiêm Insulin và liều thuốc uống. Bác sĩ sẽ cố gắng đưa nồng độ đường huyết vào một phạm vi cụ thể, vì vậy dữ liệu số từ xét nghiệm máu định kỳ là rất cần thiết.
- Xét nghiệm máu cũng giúp bạn có động lực hơn để tập luyện và thay đổi chế độ ăn lành mạnh, nhờ đó đưa đến kết quả hữu hình trong lần xét nghiệm máu tiếp theo.

Hiện nay, trong xã hội hiện đại, Bệnh tiểu đường được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm bởi nó chưa có cách chữa trị hoàn toàn, chúng ta chỉ có thể kiểm soát và giữ mức đường huyết ở trạng thái ổn định và phòng ngừa, giảm thiểu biến chứng. Với máy đo đường huyết, chúng ta có thể dễ dàng theo dõi chỉ số lượng đường trong máu của mình tại nhà. Tham khảo sử dụng máy đo đường huyết TẠI ĐÂY.

Theo https://www.wikihow.vn/Nhận-biết-dấu-hiệu-tiểu-đường

Theo https://glucerna.com.vn/hieu-ve-dai-thao-duong

Go Top

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế
Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế